Ngày 22/11/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tổ chức Hội thảo chuyên đề “Pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 và chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”.
Quang cảnh Hội thảo
Thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 09/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết số 25-NQ/ĐU ngày 09/01/2024 của Đảng ủy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA dân dụng) về thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2024; Kế hoạch số 64/KH-BQLDADDCN ngày 17/01/2024 của Ban QLDA dân dụng về thực hiện công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 và Kế hoạch số 277/KH-BQLDADDCN ngày 13/3/2024 của Ban QLDA dân dụng về triển khai tuyên truyền phòng chống tham nhũng năm 2024. Ban QLDA dân dụng tổ chức Hội thảo chuyên đề “Pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 và chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”. Tham dự buổi Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA dân dụng - chủ trì và toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động (ĐV, VC, NLĐ) của đơn vị.
Công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì và liên tục. Tại buổi Hội thảo, đơn vị đã triển khai các văn bản liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực và chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Hội thảo cũng được nghe tham luận, thảo luận của 05 Phòng chuyên môn về các chủ đề: (1) Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới; (2) Pháp luật quy định về công tác phòng chống tham nhũng; (3) “Tham nhũng vặt” giải pháp phòng chống; (4) Nhận diện và xác định rõ mối nguy hại của tệ tham nhũng, tiêu cực; (5) Sự cần thiết ban hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đặc biệt, phần “Hái hoa dân chủ” diễn ra sôi nổi với phần trả lời các tình huống xử lý nhận diện những hành vi tham nhũng trong các lĩnh vực công tác và những kiến thức về các chuẩn mực đạo đức cần có, cách nâng cao ý thức và trách nhiệm đạo đức trong công việc, từ đó nêu ra hướng xử lý đúng đắn, phù hợp quy định pháp luật.
Các đội tham gia phần thi “Hái hoa dân chủ”
Thông qua Hội thảo nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCTN, tiêu cực; những kiến thức về các chuẩn mực đạo đức cần có cho ĐV, VC, NLĐ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đ/c Nguyễn Thị Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA dân dụng phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA dân dụng nêu rõ việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 và chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của ĐV, VC, NLĐ về chấp hành và thực hiện pháp luật PCTN, xây dựng lối sống liêm chính, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng trong ĐV, VC, NLĐ. Củng cố chuẩn mực đạo đức cách mạng, đề cao phẩm chất trung thực, liêm chính, và gương mẫu, giúp ĐV, VC, NLĐ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, tạo nền tảng xây dựng một văn hóa tổ chức trong sạch và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới, tạo nên ý thức tự giác chấp hành quy định, góp phần ngăn ngừa, phát hiện sớm các biểu hiện tiêu cực, sai trái trong công việc.
Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Ban QLDA dân dụng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Phòng chuyên môn nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và các văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; cụ thể hóa thành các nội dung, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả tại đơn vị; thực hiện nghiêm quy định về nêu gương của đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực.
Đối với Ban QLDA dân dụng hoạt động trong lĩnh vực Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản dân dụng, đây là lĩnh vực tương đối nhạy cảm vì khi hoạt động tác nghiệp mỗi cá nhân đều trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, việc đề cao PCTN trong đơn vị được Ban Giám đốc đặc biệt quan tâm. Ngay từ thời gian đầu cụ thể hóa công tác phòng chống tham nhũng, đơn vị xác định cụ thể từng vị trí dễ phát sinh tham nhũng để định kỳ xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, cũng như có biện pháp giáo dục, răn đe. Ngoài ra trong hoạt động chuyên môn mỗi khâu trong quá trình thực hiện quản lý dự án có thể xảy ra sai phạm, tiêu cực và mỗi khâu này được đơn vị xác định cụ thể như khâu chủ trương đầu tư, khâu khảo sát, thiết kế và lập dự toán, khâu đến bù, giải phóng mặt bằng, công tác quản lý và điều hành kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, khâu lựa chọn Nhà thầu, khâu thi công, xây lắp công trình. Việc xác định cụ thể từng khâu, từng công việc như vậy để tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư.
Lãnh đạo đơn vị đã quan tâm và đề ra nhiều biện pháp quản lý để phòng ngừa, ngăn chặn và chống tham nhũng như: Công khai, minh bạch các hoạt động của đơn vị bằng nhiều hình thức; Thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch trong kê khai tài sản thu nhập, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm, dân chủ trong xây dựng định mức chi thu nhập, không để xay ra tình trạng xung đột lợi ích, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao các quy định về tiếp công dân...
Để góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả công tác PCTN, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy vai trò của việc tuyên truyền, bảo đảm tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, tiêu cực; công tác tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong đảng viên, viên chức.
Sau buổi Hội thảo hôm nay, đề nghị Trưởng các Phòng chuyên môn quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể sau đây:
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác PCTN như kiểm tra nội bộ việc thực hiện các biện pháp về PCTN, tiêu cực tại đơn vị.
Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực và các Quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đến VC, NLĐ.
- Nhận diện đầy đủ hành vi tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị, đề ra và thực hiện các giải pháp để phòng ngừa, nhận diện các hành vi những khâu công việc dễ gây phiền hà, “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” trong hoạt động công vụ, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy cơ quan nhà nước đối với những VC, NLĐ có hành vi “gây phiền hà”, “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” cho người dân, doanh nghiệp.
- Trưởng các phòng chuyên môn tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ của phòng phụ trách, chủ động tiếp thu dư luận xã hội, những phản ánh của người dân để được nghe trình bày phản ánh, tố cáo viên chức có hành vi “gây phiền hà”, “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” trong thực hiện công vụ.
- Tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan, chấp hành tốt chế độ, định mức tiêu chuẩn theo quy định pháp luật. Tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, công khai tài sản, thu nhập đúng theo quy định.
- Đối với công tác xây dựng cơ bản: Yêu cầu mỗi VC, NLĐ được phân công thực hiện dự án phải nghiên cứu kỹ và nghiêm túc thực hiện hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong đầu tư xây dựng. Tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự cần thiết đầu tư, điều tra khảo sát lập dự án đầu tư cho từng dự án phù hợp với quy hoạch; chú trọng việc công khai, minh bạch và tuân thủ đầy đủ các quy định, trình tự xây dựng cơ bản hiện hành trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong khâu khảo sát thiết kế nhằm lựa chọn đúng Nhà thầu có đủ năng lực, tăng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, tuân thủ quy định về quản lý chi phí, giá thành và các điều khoản theo hợp đồng xây dựng; thực hiện đúng quy trình và biện pháp thi công trong quá trình thi công xây dựng. Lãnh đạo các phòng chuyên môn cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay trong từng khâu, giai đoạn của Dự án để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý trong quá trình thực hiện. Đối với các dự án đã có Kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước được xác định rõ các nội dung sai sót dẫn đến xuất toán, thu hồi Ngân sách nhà nước phải tổ chức họp xác định cụ thể trách nhiệm của từng người, từng việc để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, sai sót theo nhắc nhở của Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 127-QĐ/BCĐ ngày 06/8/2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.
Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực Quản lý dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ban QLDA dân dụng sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN kết hợp với tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về PCTN với nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nhằm thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị./.
Khắc Phục
Một số hình ảnh trong buổi Hội thảo